Tản mạn về đá mài – đá rửa: một vật liệu giản dị phổ biến trước 1975

Thập niên 60 – 70, Sài Gòn là một chàng trai trẻ thông minh và nhiều cơ hội du nhập văn hoá mới. Việc canh tân điều kiện ở và việc giữ được cốt tính căn bản của dân tộc vẫn luôn là mối băn khoăn hàng đầu của các kiến trúc sư thời bấy giờ. Ai lại đặt một chiếc máy lạnh vào trong một ngôi nhà tranh vách đất. Nhưng điều căn bản là kiến tạo thế nào, để trong một căn nhà, một dinh thự hoặc một căn chung cư, hễ có người Việt ở, thì tìm thấy sự thoải mái về tinh thần và toát ra một không khí Việt Nam. Như những người mặc âu phục vẫn rất Việt Nam vậy.

Tản mạn về đá mài – đá rửa: một vật liệu giản dị phổ biến trước 1975

Sự ra đời của vật liệu đá rửa đá mài 

Hơn lúc nào hết, vấn đề tạo tác nhà cửa, dinh thự vừa rộng lớn, vừa khẩn cấp, đã trở thành một vấn đề nội bộ rất trọng đại tại Việt Nam. Tôi thiết nghĩ chẳng cần phải nói dài dòng về sứ mệnh của người Kiến trúc sư lúc đó. Ngoài việc ý thức được nhiệm vụ của mình trong công cuộc cải tạo đất nước, họ còn phải sáng tác một nghệ thuật mới, dung hoà những nhu cầu của đời sống mới. Và từ đó, ra đời một chất liệu mà chúng ta đi đâu cũng thấy, từ hàng rào, mảng tường đến cầu thang. Đó là đá rửa – đá mài, một vật liệu gần gũi, dễ dàng thi công và hợp thời, một phương pháp thi công bề mặt phổ biến ở Sài Gòn vào giai đoạn bấy giờ và lan rộng đến các vùng kinh tế khác của đất nước. 

Đá rửa – đá mài trở thành nét đặc trưng cho phong cách kiến trúc Việt Nam hiện đại (Vietnamese modernist architecture) trước 1975. Tôi cũng thấy rằng kiến trúc đương đại ngày đó khá giống phương Tây ở đường nét, vật liệu, hoa văn và màu sắc. Vật liệu này vốn có từ lâu, tiêu biểu là ở Hoa Kỳ. Nhưng họ không sao chép mà chỉ là thấy một sáng tác hay, phát triển nó lên và làm cho nó Việt hơn thôi. Đó! Sài Gòn hẵn là một chàng trai trẻ năng động, độc lập và ham học hỏi.

Ảnh: Tnus

Cách thi công bề mặt đá rửa – đá mài 

Nói ngắn ngọn về phương pháp thi công đá rửa, gồm xi-măng, cát mịn kết hợp với đá nhỏ, thường là đá hột lựu đá mi, hoặc sỏi màu tạo bề mặt nổi cho cốt liệu. Những phụ liệu chọn nổi trên bề mặt làm nổi bật vẻ tự nhiên của cốt liệu và phản chiếu ánh sáng lấp lánh như đang chơi dưới ánh nắng. Thí dụ một quy trình thi công trên tường. Phần tường xây sau khi tô trát được gạch chéo nhiều đường để tăng độ bám. Rồi tô hỗn hợp đá rửa như trên, độ dày hơn 5 ly. Nếu muốn có màu như ý thích thì pha thêm bột màu và chọn màu đá cho thích hợp với việc sáng tác. Sau công đoạn tô, chờ tường khô se lại khoảng 3 – 4 tiếng (tùy thời tiết) rồi đến công đoạn “rửa”. “Rửa” là xịt cho nước chảy trên bề mặt rồi dùng bàn chải chà nhẹ cho rơi bớt xi măng để lộ đá ra.

Muốn bề mặt công trình mịn hơn, hoặc để làm đồ nội thất thì dùng phương pháp đá mài. Phương pháp thi công đá mài cũng tương tự như đá rửa nhưng khi pha phụ liệu ta có thể dùng đá hạt nhỏ như trong hỗn hợp đá rửa. Ngoài ra có thể dùng đá cẩm thạch, thạch anh, granit, thuỷ tinh hình dạng ngẫu nhiên. Hoặc có thể trộn thêm xà cừ, vỏ sò tạo nhiều hiệu ứng sinh động hơn dưới ánh đèn. Thời gian khô dài hơn. Sau đó, đổ nước và mài. Có ba công đoạn mài là mài thô, mài nhẵn và mài bóng.

Cả đá mài, đá rửa nếu được phối màu, thi công tốt thì đều đảm bảo thẩm mỹ sáng tác, chống thấm tốt. Tất nhiên nó cũng có nhược điểm là dễ bám bụi, có thể nứt. Nhưng đây là giải pháp hiệu quả về mặt chi phí hơn bao giờ hết. Đá rửa, đá mài thực sự hiệu quả đến mức trở nên phổ biến, trở thành dấu ấn nhiều công trình một thời vang bóng ở miền nam. Thập niên 60 – 70 bất kỳ kiểu nhà nào cũng có mặt đá rửa, đá mài: kiểu nhà thông thường, kiểu biệt thự giản dị, biệt thự song lập/tứ lập, nhà liền kề, chung cư, các công trình công cộng,… 

Ảnh: Tnus
Ảnh: Tnus
Ảnh: Tnus

Thời nay, đá rửa, đá mài ngày càng ít được sử dụng, vì có rất nhiều vật liệu mới đáp ứng được nhu cầu cách tân của thời buổi hội nhập. Để hợp thời hơn và ứng dụng công nghệ hiện đại hơn, cũng có một số vật liệu như gạch giả đá mài nhưng vẫn đáp ứng được tính thẩm mỹ, độ bền.

Hẵn những người thương Sài Gòn vẫn có một cảm tình với đá rửa, đá mài. Khi đi ngang qua những công trình sử dụng vật liệu này, nhiều người trong chúng ta sẽ có một cảm giác thân thiện và hoài niệm. Bản thân tôi vẫn luôn sáng tác trên ý thức bảo tồn và cách tân cho hợp thời đại… !

Ảnh: John A.Hansen

Đây là một bài viết tản mạn về một vật liệu dung dị của chú bé kiến trúc nội thất còn non cơm viết

Cảm ơn mọi người có nhã hứng ghé đọc.

Cảm ơn quí bạn đọc.

Laisser un commentaire